Thao túng triều Lý Tô Trung Từ

Đón rước thái tử Sảm

Tô Trung Từ phò vua Cao Tông ở kinh thành, trong khi thái tử Sảm vẫn ở Hải Ấp cùng các con Trần Lý là Trần ThừaTrần Tự Khánh. Trung Từ muốn một mình cầm quyền nên quyết định giành lấy thái tử Sảm từ tay hai người cháu họ Trần.

Đầu năm 1210, nhân vua Cao Tông bệnh nặng, muốn đón thái tử Sảm về kinh, Tô Trung Từ bèn giả mang quân bản bộ đi đánh quân phiến loạn ở Khoái châu, nhân đó ông về Hải Ấp nắm lấy thái tử Sảm. Không lâu sau, vua Cao Tông sai Đỗ Quảng tới chỗ ông để đón Lý Sảm.

Cuối năm 1210, Lý Cao Tông chết, uỷ thác cho đế sư Đỗ Kính Tu chăm lo cho thái tử. Thái tử Sảm lên ngôi, tức là Lý Huệ Tông. Tuy nhiên, không phải Đỗ Kính Tu mà Tô Trung Từ mới thực sự trở thành người nắm quyền trong triều.

Vừa lên ngôi, vua Huệ Tông sai đón vợ là Trần Thị Dung, nhưng Trần Tự Khánh không cho. Do lúc trước Trung Từ giành lấy Huệ Tông từ tay anh em họ Trần nên nảy sinh mâu thuẫn với Tự Khánh.

Xung đột với cựu thần nhà Lý

Huệ Tông dùng quan Thái phó Đỗ Kính Tu làm Thái uý theo lời vua cha Cao Tông. Thấy quyền hành của Trung Từ quá lớn, Đỗ Kính Tu cố tìm cách chống lại ông.

Tháng 12 năm 1210, quan Chi hậu Phụng ngự là bọn Đỗ Quảng bắt Kính Tu đưa cho Tô Trung Từ. Ông sai dìm Kính Tu xuống nước cho chết ở bến Đại Thông.

Nhưng các quan cựu thần nhà Lý vẫn tiếp tục mưu chống Trung Từ. Ít lâu sau, ông lại nghe tin Quan nội hầu Đỗ Thế Quy, Phí Liệt và chính Đỗ Quảng âm mưu phát binh để đánh mình, ông bèn dẫn quân đánh úp những người này trước. Tuy nhiên khi sắp đánh, Trung Từ mới biết là quân số của ông ít hơn đám quân của Đỗ Quảng, Phí Liệt quá nhiều. Trung Từ bèn lập mưu lừa mấy người đó để tìm cách tăng thêm viện binh.

Ông sai người đến nói với Quảng và Liệt rằng:

"Chúa thượng mới vừa an táng, dân tình chưa yên, sao chẳng lui giáp binh đi, rồi tự về triều xem xét mà đồng mưu hiệp lực để khuông phò vương thất thì cũng không phải việc hay đó hay sao?"

Đỗ Quảng, Phí Liệt cho là phải, bèn đồng ý. Lúc đó ngày đã về chiều, mới ước hẹn để sáng sớm hôm sau. Đêm đó, Tô Trung Từ bèn tăng thêm quân sĩ nhiều hơn ngày trước và sắp mưu đánh Quảng, Liệt.

Ngày hôm sau, Đỗ Quảng, Phí Liệt đúng như lời hẹn, họp lại ở Bí thư Các để đợi Trung Từ. Tô Trung Từ đến đình Tứ Đạt trước, sai tỳ tướng là Đào Phán đem binh theo cửa nách phía bên phải mà vào đóng quân ở Sa Trì [2] và ở Long Trì (thềm rồng), lại sai bộ tướng Nguyễn Tự và con rể là Nguyễn Ma La đóng quân ở cửa Thiên Thu.

Lúc đó, Quảng và Liệt vừa ăn cơm, nghe quan Liệt hầu Cao Kha vào báo việc Tô Trung Từ đã sắp đông quân để đánh, mới ném đũa mà đứng dậy cầm kích đến Long môn dòm xem thì thấy quân lính của Đào Phán đánh trống, reo hò. Quảng và Liệt tiến lên đánh lui được Đào Phán, nhân đó chạy đến cửa Thiên Thu mới thoát.

Đào Phán bèn đem quân đánh lén Đỗ Thế Quy. Đỗ Thế Quy chạy trốn ở dưới cái linh cữu của vua Cao Tông. Tô Trung Từ đến nơi lục soát, cuối cùng bắt được Đỗ Thế Quy. Ông sai giết Đỗ Thế Quy ở chợ Đông, trước hết sai chặt hai chân Thế Quy, thứ đến là mổ ngực thấu đến tận xương sống và chặt tay, nhưng thần sắc của Đỗ Thế Quy vẫn tự nhiên. Đến lúc mổ bụng thì Thế Quy chết.

Nghe tin vua Cao Tông mất, Trần Tự Khánh đem thủy quân đến bến Tế Giang (Mỹ Văn, Hưng Yên) xin với Tô Trung Từ cho cùng dự tang lễ Cao Tông, nhưng Trung Từ không cho vì sợ Tự Khánh đốt phá kinh thành. Tự Khánh phải đem quân về Thuận Lưu.

Đầu năm 1211, Huệ Tông lại sai người đi đón Trần Thị Dung. Lần này thì Trần Tự Khánh đồng ý để em gái về triều, sai hai tỳ tướng Phan Lân, Nguyễn Ngạnh cầm quân hộ tống. Khi quân hộ tống tới Thăng Long, đúng lúc Tô Trung Từ đang đánh nhau to với Đỗ Quảng. Trung Từ hợp binh với hai tướng Phan, Nguyễn phá tan quân của Quảng. Tới tháng sau thì Quảng bị bắt và bị xử chém.